Trong năm 2023 Việt Nam đã có nhiều cố gắng và quyết tâm phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống, góp phần phát triển bền vững đất nước. Dưới đây là tổng hợp tình hình an ninh phi truyền thống điển hình của Việt Nam trong năm 2023.
1-Nghị quyết Hội nghị Trung ương Tám (Khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã tiếp tục phát triển tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh phi truyền thống.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng “Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
2-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị COPS 28 và tiếp tục công bố cam kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam về an ninh môi trường và an ninh khí hậu.
3- Sau nhiều năm Tây Nguyên bình an, năm 2023 đã xảy ra vụ khủng bố tại Đắc Lắc.
Rạng sáng ngày 11/6/2023 một nhóm đối tượng phản động có liên quan đến nước ngoài đã mang theo sung và các hung khí nguy hiểm tấn công khủng bố, đập phá trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ( trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc. Hậu quả làm 9 người chết, 2 người bị thương, nhiều tài sản bị đốt phá. Trên đường chạy trốn, nhóm đối tượng đã bắt 3 người dân làm con tin.
4-Tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp. Lần đầu tiên Việt Nam khám phá vụ án mua bán ma túy xuyên quốc gia thu giữ 1,3 tấn ma túy tổng hợp.
24/11/2023 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an, chủ trì, phối hợp với các lực lượng triệt phá đường dây mua bán ma tuý xuyên quốc gia do các đối tượng quốc tịch Trung Quốc cầm đầu, thu giữ khoảng 1,3 tấn ketamin.
5-Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5-5,2%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng thuộc nhóm nước cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên an ninh kinh tế là một vấn đề nổi lên trong năm.
Trong năm đã điều tra, xử lý nhiều vụ đại án về kinh tế như các vụ Vạn Thịnh Phát (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong đó, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, các vụ án đăng kiểm, Công ty Việt Á, Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Sài Gòn Co.op.
6- Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Sau 20 năm đàm phán, dự án năng lượng khí LG đã được ký kết. Ngày 30/10/2023 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn.
Chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 04 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến khoảng 4.000 MW.
Đây là dự án trọng điểm, không những đem lại nguồn thu rất lớn cho Nhà nước với trên 30 tỷ USD, mà còn góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo. Đồng thời, các dự án thành phần thuộc chuỗi dự án trong quá trình xây dựng sẽ tạo thêm cơ sở hạ tầng, tạo hàng nghìn việc làm, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng tăng trưởng mạnh, các nguồn điện truyền thống bị hạn chế, thì các dự án nhiệt điện khí là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cùng với đó, việc triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B sẽ là một bước tiến quan trọng của Petrovietnam trong việc góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải carbon để ứng phó biến đổi khí hậu cũng như triển khai Quy hoạch điện VIII, hướng tới một hệ thống năng lượng “xanh hơn”, “sạch hơn”, phù hợp với xu thế toàn cầu về chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.
7-An ninh con người ở Việt Nam về cơ bản được đảm bảo với nhiều chính sách mới về an ninh xã hội, an ninh y tế. Tuy nhiên nguy cơ đe dọa an ninh con người còn phức tạp.
Điển hình là xảy ra vụ cháy vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vào đêm ngày 12 và rạng sáng 13/9/2023 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 56 người.
8-Năm 2023 Việt Nam xuất khẩu 8 triệu tấn gạo.
Đầu năm 2023, mục tiêu của Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo (tương đương với năm 2022 là 7,1 triệu tấn) nhưng đến hết tháng 11 đã đạt tới 7,8 triệu tấn. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,8 triệu tấn, kim ngạch 4,4 tỉ USD. Đây là những con số kỷ lục của ngành gạo kể từ năm 1989 đến nay và nhiều khả năng sẽ cán mốc lịch sử 8 triệu tấn, giá trị 4,6 tỉ USD.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
9- An ninh môi trường, an ninh nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng từ cuối năm 1958 ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, với các hệ thống chính gồm 14 công trình cống, trạm bơm, 232 km kênh và 491 km bờ kênh trục chính. Ngoài ra, công trình này còn có 400 trạm bơm tiêu, hơn 800 cống tưới và hàng nghìn kilomet kênh cấp II do các công ty khai thác công trình thủy lợi vận hành, đảm bảo tưới tiêu cho 146.756 ha đất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và TP Hà Nội. Bắc Hưng Hải tưới 110.000 ha canh tác; cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người; tiêu nước, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương.Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bốn địa phương ở miền Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đang chịu sự ô nhiễm môi trường của hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay khiến cho hàng nghìn hộ dân sống gần lưu vực sông thường xuyên bị ảnh hưởng.
10- An ninh giao thông có nhiều điểm sáng:
Chính phủ và Thành phố Hà Nội triển khai xây dựng nhiều quốc lộ trọng điểm, xây dựng các tuyến đường vành đai ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung quy hoạch đô thị ở hai thành phố lớn nhất của cả nước; xúc tiến các dự án đường sắt; nâng cấp một số sân bay và hỗ trợ ngành hàng không phục hồi sau đại dịch Covid-19 và các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế, an ninh hàng không. Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bamboo Airways và các cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo của Công ty để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định pháp luật nhằm phát triển hãng hàng không này.
Nhật Minh và Việt Anh