An ninh phi truyền thống (ANPTT) khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Sáng 21/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu” với sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia, học giả nghiên cứu về lĩnh vực này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cán bộ lãnh đạo quản lý của cả khu vực công và khu vực tư trong việc đảm bảo an ninh phi truyền thống.
Nhận diện nguy cơ
Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm cho biết, ANPTT thực chất là sự nối dài của an ninh quốc gia, của an ninh truyền thống và cấu thành thêm tổng thể của an ninh quốc gia trong điều kiện hiện nay. Qua nghiên cứu, có khoảng 30 nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống đã, đang và sẽ tiếp tục nổi lên thời kỳ hiện nay.
Trong đó, có 5 nhóm nguy cơ đang nổi lên phải lưu tâm gồm: (1)Vấn đề tội phạm xuyên quốc gia; (2), an ninh kinh tế của Việt Nam; (3) an ninh môi trường, an ninh nguồn nước; (4) an ninh y tế, an ninh sức khoẻ; (5) các nguy cơ đe doạ về an ninh mạng và an ninh mạng xã hội.
“Thời kỳ đại dịch COVID-19, Nhà nước đã tổng kết đại dịch làm thiệt hại tới 500.000 tỷ đồng. Và trong cơn bão YAGI vừa rồi, tỉnh Yên Bái thu nhập cả tỉnh 2023 đạt 4.100 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 tuần bão lũ, sạt lở… tỉnh Yên Bái đã thiệt hại tới 4.600 tỷ đồng”, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm lấy ví dụ.
Dẫn chứng từ địa phương, Đại tá TS. Đỗ Tiến Thùy cho biết, Tuyên Quang vừa qua cũng đối mặt với 5 nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống. Cơn bão YAGI đổ bộ vào các tỉnh phía bắc (tháng 9/2024) cho thấy nguy cơ về an ninh nguồn nước, rủi ro về môi trường rất rõ ràng. Trong cơn bão đó, Tuyên Quang là một trong những tỉnh đối diện với ngập lụt, mưa lớn diện rộng và lần đầu tiên Thủy điện Tuyên Quang phải mở cả 8 cửa xả. Sau đợt bão lũ, đã có 5 người chết, 6 người bị thương, nhà cửa sập đổ, hoa màu thiệt hại; sau khi nước lũ rút, nguy cơ về bệnh tật, y tế, môi trường hiện hữu rất rõ…
“Điều đó cho thấy chúng ta phải có biện pháp chủ động xử lý, phòng ngừa các thách thức, nguy cơ an ninh phi truyền thống từ sớm, từ xa”, Đại tá TS. Đỗ Tiến Thùy nói.
Tại Hải Phòng, ông Lưu Văn Vinh, chuyên gia An ninh kinh tế, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an thành phố Hải Phòng nhìn nhận: Những thách thức an ninh phi truyền thống của Việt Nam đều xuất hiện tại Hải Phòng, có thể nói, đây là địa phương có những thách thức an ninh phi truyền thống rất điển hình.
Thứ nhất, thách thức về biến đổi khí hậu, đặc biệt sau khi cơn bão YAGI đi qua và Hải Phòng cũng là một trọng tâm chịu thiệt hại rất lớn. Thứ hai, vấn đề môi trường có thể kể đến như sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất, sự cố cháy nổ và các tai nạn hàng hải, nhất là trong bối cảnh giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố rất lớn. Thứ ba, vấn đề tội phạm, không chỉ là tội phạm truyền thống mà Hải Phòng cũng xuất hiện tội phạm quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng.
“Qua thực tiễn đấu tranh, chúng tôi đã thiết lập rất nhiều chuyên án và phá án thành công với các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, bắt cả đối tượng người Việt Nam, người nước ngoài và không chỉ trong phạm vi TP. Hải Phòng mà lan ra các địa phương khác. Năm 2019, Công an Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Công an phá chuyên án rất lớn, bắt giữ gần 400 người nước ngoài đánh bạc quốc tế, với số tiền được tính toán khoảng 11.000 tỷ đồng. Đấy cũng là hoạt động rất mới cần nhận diện”, ông Lưu Văn Vinh cho biết.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chia sẻ: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang cung cấp cho thị trường sản lượng 12-14 triệu m3, tấn xăng dầu mỗi năm, trong đó có khoảng 10 triệu m3, tấn bán trên thị trường nội địa. Do đó những rủi ro, thách thức mà doanh nghiệp này gặp phải hằng ngày rất lớn, trong đó có những yếu tố an ninh phi truyền thống.
“Ví dụ sự cố biến đổi nguồn cung xăng dầu như thời điểm năm 2022, các doanh nghiệp nhập về lỗ không bán nên tất cả dồn vào Petrolimex, chúng tôi phải bán vượt sản lượng rất lớn. Nếu không có quản trị rủi ro, quản trị an toàn thì những cửa hàng xăng dầu sẽ trở thành điểm mất trật tự an toàn xã hội”, ông Nguyễn Văn Sự thông tin.
Ứng phó hiệu quả
Bàn về giải pháp ứng phó với các nguy cơ từ an ninh phi truyền thống, PGS.TS. Hoàng Đình Phi nêu giải pháp đầu tiên là tăng cường công tác truyền thông để tất cả các cấp, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị cơ sở, nơi có thể xuất phát rủi ro lớn, từ những đốm lửa nhỏ cháy thành đốm lửa lớn đe dọa ANPTT của cá nhân, của con người.
Thứ hai, phải có những chương trình nghiên cứu bài bản từ Trung ương đến địa phương; thứ ba là tăng cường công tác quản lý khoa học, công nghệ hiện nay phải nhanh, hiệu quả; thứ tư là yếu tố con người cần phải được học tập bài bản, có đạo đức, có phẩm chất, có quyết tâm bảo vệ con người, bảo vệ quốc gia.
Đối diện với vấn đề an ninh phi tryền thống tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sự cho biết: Với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, sự cố về cháy nổ, xăng dầu… nếu kiểm soát không tốt sẽ gây mất an toàn và ảnh hưởng rất lớn. Do đó, để phòng ngừa rủi ro, Petrolinex tập trung đến 3 yếu tố:
Thứ nhất, hệ thống cơ sở vật chất vì biến đổi khí hậu tác động hay những sự cố mất an toàn tại kho, cảng… đều ảnh hưởng đến xăng dầu. Thứ hai, bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, Tập doàn rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả nhận thức, tư duy, trình độ, đi từ thực tiễn, có những chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu. Thứ ba là các thể chế, quy định hiện nay phải cụ thể xuyên suốt từ lãnh đạo cao nhất đến người lao động; phải có quy chế kiểm tra, kiểm soát.
Còn theo GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm: An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Thứ nhất, đánh giá và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời với thách thức mới trong bối cảnh an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp. Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ ba, đẩy mạnh việc nhận diện và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó trước các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống.
“Chúng tôi kỳ vọng Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ quan tâm và triển khai một chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về an ninh phi truyền thống. Chương trình này không chỉ tạo cơ sở khoa học vững chắc để nghiên cứu sâu hơn, mà còn thúc đẩy việc xây dựng các chính sách, chiến lược mang tính bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển ổn định trong bối cảnh mới”, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm nêu đề xuất.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là tập trung đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Việc nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để ứng phó hiệu quả với những thách thức mới trong bối cảnh an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp.
Cuối cùng, Việt Nam không thể tự mình giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống mà cần tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nước. Chỉ khi có sự hợp lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, chúng ta mới có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ đang ngày càng phức tạp và khó lường.
“Tóm lại, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, tuy là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng thực chất là một thể thống nhất. Cả hai cùng hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững”, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm nhận định.
Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị nghiên cứu, đào tạo ngành Quản trị An ninh phi truyền thống (MNS). Đây là Trường đầu tiên trên thế giới kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo chuyển giao tri thức cho các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp. Từ năm 2013, nhà trường đã mở chương trình đào tạo thạc sĩ về an ninh phi truyền thống và đến nay có hơn 500 thạc sĩ quản trị an ninh phi truyền thống và họ đang làm việc ở rất nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Thời gian tới, trường triển khai chương trình cử nhân quản trị an ninh phi truyền thống ưu tiên đối tượng đầu vào là các chiến sĩ đã hết nghĩa vụ ngành công an, quân đội được học chương trình chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, có cơ hội vừa học tập, vừa được thực hành và trải nghiệm vận dụng tất cả kiến thức khoa học an ninh phi truyền thống và khoa học liên ngành vào việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về an ninh phi truyền thống trong thực tiễn.
Nguồn: baochinhphu.vn