TCCSĐT – Việt Nam đang đứng trước những thách thức gay gắt về bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; về tình trạng ô nhiễm môi trường biển… Vì vậy, việc bảo vệ an ninh biển, đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Quan điểm của Đảng về bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển kinh tế biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trên năm trăm năm trước, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xác định: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Giữ được biển là yên được nước. Dựa trên hình thể của nước ta, dựa trên chiều dài lịch sử giữ nước, chống ngoại xâm nên Trạng Trình đã viết nên những dòng có tính kinh điển như vậy. Quả thực, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc khẳng định giữ được biển có vai trò then chốt trong sự phát triển của đất nước.
Biển Đông là một biển lớn, đứng thứ hai thế giới sau biển San Hô ở phía Đông Ô-xtrây-li-a. Chiều dài của Biển Đông khoảng 3.000km, chiều ngang nơi hẹp nhất từ Mũi Cà Mau đến đảo Borneô thuộc In-đô-nê-xi-a gần 1.000km; diện tích khoảng 3.447.106km2, gấp 1,5 lần Địa Trung Hải. Trong biển có hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ ở phía Bắc (diện tích khoảng 150.000km2) và vịnh Thái Lan ở phía Nam (462.000km2).
Biển Đông có con đường hàng hải tấp nập thứ hai trên thế giới, nhiều eo biển thông ra Thái Bình Dương, kết nối với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca, là đường thủy huyết mạch nối các quốc gia nằm ở Đông Á, Thái Bình Dương với Trung Cận Đông, châu Phi và châu Âu.
Là quốc gia ven biển, nằm trên phía Tây của Biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu ki-lô-mét vuông, gấp 3 lần lãnh thổ, với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Diện tích biển của Việt Nam chiếm 29% diện tích Biển Đông. Bình quân 100km2 đất liền có 1km đường bờ biển, trong khi tỷ lệ này của thế giới là 600km2/1km. Cứ khoảng 1km2 đất liền thì có gần 4km2 vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế. Tỷ lệ này gấp khoảng 1,6 lần so với mức trung bình của thế giới. Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều khu vực bờ biển, cũng như các đảo ở nước ta có vị trí địa lý rất trọng yếu đối với phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng.
Bảo đảm an ninh biển, đảo nhằm khai thác những tiềm năng to lớn của biển là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách trong thế kỷ XXI khi mà tình hình Biển Đông đang ngày càng nóng lên trước những toan tính của một số quốc gia trên thế giới.
Nhận rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế biển, trong những năm qua Đảng ta đã có những quyết sách mang tầm chiến lược. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 6-5-1993, của Bộ Chính trị, về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển đã xác định, xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “trở thành một nước mạnh về kinh tế biển” phải là một mục tiêu chiến lược của quốc gia.
Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 22-9-1997, của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cụ thể hóa thêm một bước về mục tiêu trên: “Vùng biển, hải đảo và ven biển là địa bàn chiến lược, có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước ta; là tiềm năng và thế mạnh quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI nêu rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn với phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi-măng… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông – biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí tiềm năng và lợi thế của từng đảo”(1).
Đại hội XII của Đảng xác định nội dung phát triển kinh tế biển: “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững. Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu vực kinh tế ven biển”(2).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3).
Nội dung chiến lược bảo đảm an ninh biển, đảo của Việt Nam được xác định tại Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9-02-2007, Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đó là: Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc gắn với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, phát triển kinh tế kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Tình hình hiện nay ở Biển Đông diễn biến phức tạp do những toan tính của các thế lực bên ngoài, gây cản trở cho việc bảo về chủ quyền biển, đảo và phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta. Vì vậy, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân… Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân… Bảo đảm an ninh biển, đảo chính là bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo Hiến pháp và pháp luật nước ta, các điều ước quốc tế về biên giới và lãnh thổ mà Việt Nam tham gia; phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Xây dựng thế trận lòng dân, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế để bảo đảm vững chắc an ninh, chủ quyền biển, đảo
Phát triển kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế để bảo đảm vững chắc an ninh, chủ quyền biển, đảo sẽ phát huy được sức mạnh của từng lĩnh vực. Sự kết hợp này tạo thành sức mạnh tổng hợp, quy tụ mọi nguồn lực nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Quán triệt quan điểm đó, để bảo đảm tốt an ninh, chủ quyền biển, đảo, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, phát triển mạnh mẽ, vững chắc kinh tế – xã hội vùng ven biển, hải đảo, làm cứ điểm phát triển toàn diện kinh tế biển. Đầu tư thích đáng cho các ngành kinh tế biển có thế mạnh, như khai thác, chế biến dầu khí, hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, du lịch biển, đảo,… Xây dựng các trung tâm dịch vụ có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ cho khai thác kinh tế biển, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh biển. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển. Xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa các vùng biển, đảo để xây dựng thế trận lòng dân trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Dân sự hóa các vùng biển, đảo, tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, đồng thời cũng là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng – an ninh trên biển. Khuyến khích nhân dân định cư ổn định và làm ăn dài ngày trên biển.
Kết hợp hài hòa giữa các lợi ích kinh tế với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng tại các vùng kinh tế ven biển. Gắn kết giữa phát triển kinh tế với nâng cao khả năng phòng thủ vùng biển. Phát huy hiệu quả tối đa các công trình, cơ sở vật chất kỹ thuật “lưỡng dụng” cho mục đích kinh tế và quốc phòng, an ninh.
Gắn kết chặt chẽ các vùng kinh tế trọng điểm biển với các vùng kinh tế ven biển. Bảo đảm các vùng kinh tế ven biển là hậu cứ vững chắc cho vùng kinh tế biển, kịp thời ứng phó với những tình huống phức tạp phát sinh trên vùng kinh tế biển. Xây dựng các khu quốc phòng – kinh tế tại các đảo, quần đảo, vùng biển, tạo thành những căn cứ vững chắc để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
Ba là, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh biển, đảo. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Hiện đại hóa, nâng cao sức chiến đấu của hải quân, không quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, những binh chủng hợp thành các quân đoàn, quân khu ven biển và hải đảo. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Xây dựng lực lượng vũ trang thành chỗ dựa vững chắc cho những lực lượng dân sự làm kinh tế biển.
Xây dựng lực lượng công an nhân dân bảo đảm đủ sức là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, trật tự, an toàn xã hội vùng biển, hải đảo và các vùng ven biển. Bảo đảm an ninh, trật tự là điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quốc phòng. Điều này lại càng cần thiết trong điều kiện biển và hải đảo, nơi gắn liền với công tác bảo vệ sự toàn vẹn biên giới, lãnh thổ. Trình độ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội thể hiện trình độ, năng lực làm chủ vùng biển quốc gia. Theo đó, lực lượng công an nhân dân cần được xây dựng để đủ sức làm tốt các nhiệm vụ sau:
– Xây dựng lực lượng cảnh sát biển làm nòng cốt bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.
– Bảo vệ hoạt động kinh tế biển, tính mạng người dân, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên biển. Bảo đảm an toàn giao thông đường biển và ven bờ. Bảo vệ môi trường, kịp thời xử lý các hành vi làm tổn hại đến môi trường biển.
– Xử lý các tranh chấp lợi ích giữa các tổ chức hoặc cá nhân trong sản xuất, khai thác biển.
– Tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Thực thi công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
– Bảo đảm an ninh quốc gia trên biển, kịp thời ngăn chặn, xử lý các phương tiện xâm nhập đất liền nhằm các mục tiêu chính trị và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong nước và cộng đồng quốc tế. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Cần thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực liên quan tới biển, đảo đến nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế. Tuyên truyền rộng rãi các dữ liệu khoa học đã kết luận về tiềm năng biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển; các tài liệu lịch sử – pháp lý thuyết phục, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, đảo nước ta trên cơ sở Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Năm là, tăng cường đấu tranh trên trường quốc tế nhằm điều chỉnh, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi giữa các quốc gia có biển, trước hết là liên quan đến Biển Đông dưới các hình thức pháp lý tương ứng (các công ước, tuyên bố chung, hiệp định, luật,…)./.
————————————-
(1). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 122
(2). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 95
(3). Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr 72, 73.
PGS, TS Nguyễn Thị Hải Vân (Theo Tạp chí Cộng Sản).