Những năm gần đây, vấn đề bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và thể chế hóa trong các chủ trương, chính sách, pháp luật. Nhà nước đã ban hành Luật An ninh quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Khoáng sản…; Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, nghị định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước. Mặc dù vậy, môi trường, nguồn nước nước ta vẫn đang bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Nâng cao khả năng chống chịu, nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo và cảnh báo thiên tai, năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chấn chỉnh công tác bảo vệ, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, các ngành, doanh nghiệp dựa nhiều vào tài nguyên, các nguồn gây ô nhiễm, nguồn phát thải khí nhà kính. Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học[1]; “Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường[2]; “Phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường[3]; “Chủ động giảm sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu[4]; “Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai[5].

Quảng Ninh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, được ví như một Việt Nam thu nhỏ, với đầy đủ các địa hình mang tính đặc trưng (gồm biển cả, hải đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới trên biển và biên giới đất liền) có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh, đối ngoại; nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt – Trung; vùng kinh tế phát triển Bắc Bộ với nhiều tiềm năng, thế mạnh về kinh tế – xã hội. Trong những năm qua, Quảng Ninh trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều năm liền Quảng Ninh trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng đứng hàng đầu cả nước. Có được thành quả đó là nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc định hướng phát triển kinh tế theo phương thức chuyển đổi hình thức từ “nâu” sang “xanh”. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm sự ổn định xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường các giải pháp và nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thật sự vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội với tốc độ tăng trưởng cao của cả nước.

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm sự ổn định xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tăng cường các giải pháp và nguồn lực cho công tác bảo đảm an ninh môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trước những cơ hội và tiềm năng đã và đang xuất hiện các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh môi trường nói chung, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng tới sự ổn định, an ninh, an toàn và phát triển bền vững của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.

Nhận thức về an ninh môi trường, an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhà máy nhiệt điện than của cơ quan, doanh nghiệp, người dân Quảng Ninh còn nhiều hạn chế. Trong các đề án, chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn của tỉnh Quảng Ninh chưa đề cập nhiều tới các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhà máy nhiệt điện than; còn thiếu các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhà máy nhiệt điên than trên quy mô của tỉnh Quảng Ninh, thành phố cũng như đối với từng địa phương, doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở du lịch – dịch vụ…; chưa có Bộ tiêu chí quản trị an ninh môi trường trong lĩnh vực này để triển khai thực hiện. Điều này cũng dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là để phát triển toàn diện, phát triển hài hòa tỉnh Quảng Ninh trên cả ba trụ cột: Kinh tế – Xã hội – Môi trường, nhất là trong quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” trong phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh.

Việc phòng ngừa, đảm bảo an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất. kinh doanh than và nhà máy nhiệt điện than đòi hỏi phải chỉ đạo, phối hợp ở nhiều cấp độ, nhiều ngành, nhiều cấp gắn với nhiệm vụ bảo đảm sự ổn định xã hội, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Đây đang là nhiệm vụ xã hội rất cấp bách. Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu về điều tra, đánh giá, dự báo một cách khoa học, toàn diện về an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Do vậy, đòi hỏi cần phải khảo sát, điều tra, đánh giá, làm rõ thực trạng, nguyên nhân và những kết quả bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tinh. Việc điều tra, phân tích, dự báo về an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhà máy nhiệt điện than sẽ là cơ sở xây dựng các chủ trương, chính sách, biện pháp, xây dựng, triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhà máy nhiệt điện than nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh trước mắt và lâu dài.

Nhằm giúp bạn đọc nắm bắt các tư duy mới này, Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản cuốn sách chuyên khảo “An ninh môi trường, an ninh nguồn nước liên quan đến khai thác, sản xuất, kinh doanh than và nhiệt điện trong tiến trình phát triển bền vững từ “nâu” sang “xanh” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” do các tác giả Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Nguyễn Xuân Ký, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Đại tá, TS Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh; Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh; PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, làm Đồng Chủ biên.

Các tác giả đã kế thừa, sử dụng các tài liệu nghiên cứu, tổng kết của Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh; TS Đinh Văn Nơi, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều nhà khoa học và hoạt động thực tiễn ở  Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.

Đây là vấn đề mới ở nước ta vì vậy sách không tránh khỏi các ý kiến khiếm khuyết. Rất mong nhận được ý kiến góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện trong lần xuất bản tiếp theo.

Để nhận thêm thông tin về sách, vui lòng liên hệ qua email: ins@hsb.edu.vn

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2021, tập 1, tr 154-155

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.274

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr. 274

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr. 275

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr. 279