[VOV2] – Một trong những phương thức, thủ đoạn tinh vi để che giấu tội phạm là xóa bỏ tung tích nạn nhân. Nếu không tìm được nạn nhân, không xác định được nạn nhân thì nguy cơ vụ án sẽ bị bế tắc.
Dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ án Tạ Duy Khanh (quê Thái Bình, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) giết hại, phân xác Á khôi 17 tuổi rồi phi tang xuống sông Hồng thì ngay sau đó ít ngày, dư luận lại rúng động trước vụ án Nguyễn Văn Hiệp (trú tại xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) xuống tay tàn độc, cướp đi mạng sống của cô gái trẻ ở TP Bắc Ninh rồi nhảy cầu tự sát.
Điểm chung nhất của hai vụ án là sự tàn độc của kẻ giết người và động cơ gây án đều liên quan đến yếu tố kinh tế, kẻ gây án và nạn nhân đều quen biết nhau, thậm chí có mỗi quan hệ tình cảm. Vì sao một người có nhân thân được cho là “sạch” như Khanh hay Hiệp lại có thể gây án một cách man rợ như vậy để cướp đi sinh mạng của hai cô gái trẻ?
Trao đổi với Phóng viên VOV2, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng, Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội – Chuyên gia tội phạm học đánh giá hành vi của đối tượng là rất tàn nhẫn, manh động, liều lĩnh. Một trong những yếu tố gây ra hành vi giết người man rợ là giữa đối tượng và nạn nhân tồn tại những xung đột, mâu thuẫn. Đó có thể là xung đột về lợi ích, về tình cảm hoặc nhận thức. Nếu đối tượng không giải quyết được các xung đột thì sẽ dẫn đến hành động theo bản năng, theo sự thúc đẩy của nội tâm bên trong để đạt được những mong muốn. Do vậy đối tượng đã hành động tàn ác mà không cần biết đến hậu quả.
Vụ án gây rúng động dư luận xã hội những ngày qua không phải là vụ án đầu tiên, mà trước đó đã từng xảy ra không ít vụ giết người, phân xác phi tang hết sức man rợ… Nhiều người đã không thể cắt nghĩa được hành vi tàn nhẫn với người từng có quan hệ tình cảm với mình như vậy. Có người đặt câu hỏi, giữa xã hội văn minh, ngay trong khu đô thị sang trọng tại Thủ đô lại tồn tại một kẻ máu lạnh, tàn độc, dã man hơn rất nhiều so với các tình tiết trong những bộ phim kinh dị.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn lý giải, nhiều vấn đề đang tác động vào tâm lý, tình cảm, lối sống đạo đức và luật pháp ở ngay trong lòng xã hội. Ông Thìn cho rằng, mỗi cá nhân trong từng gia đình, từng cộng đồng cần nâng cao nhận thức cảnh giác về điều này. Bản thân đối tượng bên ngoài có vẻ học thức, có hiểu biết, nhưng thực chất bên trong lại thiếu hụt về nhận thức, những kỹ năng, không có nền tảng kiềm chế, dẫn tới hành động sai lầm, không còn đúng đắn. Đây sẽ là điều kiện để mặt tiêu cực tác động vào.
Trong quá trình diễn biến tâm lý tội phạm, điều đáng chú ý là không chỉ giết nạn nhân, hung thủ còn phân xác ra thành nhiều mảnh sau khi gây án.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn lý giải, điều quan trọng nhất trong tâm lý tội phạm đó là hành vi che giấu, là thủ đoạn của tội phạm. Chứ không phải do mâu thuẫn xung đột, căm hận nạn nhân tới mức phải phân xác ghê rợn như vậy. Các đối tượng biết rằng sau khi gây án sẽ phải đối diện với sự trừng phạt hết sức nghiêm khắc của pháp luật, có thể chung thân hoặc tử hình. Hành vi phạm tội càng nghiêm trọng thì đối tượng càng tìm mọi cách để che giấu tội phạm. Mà một trong những phương thức, thủ đoạn tinh vi để che giấu tội phạm là xóa bỏ tung tích nạn nhân. Nếu không tìm được nạn nhân, không xác định được nạn nhân thì nguy cơ vụ án sẽ bị bế tắc. Bằng thủ đoạn phân xác nạn nhân rồi phi tang xuống sông, đối tượng hy vọng thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.
“Hành vi phân xác tàn bạo sau khi sát hại nạn nhân là nhằm mục đích che giấu tội phạm”, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn khẳng định.
Dù trước đó chính kẻ thủ phạm đã có hành vi giết người, phân xác không ghê tay nhưng sau đó lại hoảng loạn tự sát. PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn lý giải đó là biểu hiện tâm lý bình thường của thủ phạm trong thời điểm mất kiểm soát. Sau khi vụ án xảy ra, các đối tượng hiểu rõ hành vi tội ác đang phải đối mặt với sự trừng trị nghiêm khắc và rất khó thoát khỏi lưới của pháp luật. Nên khi bị truy bắt, bị điều tra, trong lúc hoảng loạn, các đối tượng sẽ tìm cách che giấu tội phạm. Nhưng khi biết không thể che giấu được nữa thì các đối tượng sẽ có tâm lý rất lo lắng, phiền muộn. Đặc biệt khi bị truy bắt, trong khoảnh khắc đó đối tượng thường có tâm lý muốn kết thúc câu chuyện. Vì nếu trước sau cũng phải đối diện với bản án nghiêm khắc đó thì các đối tượng không muốn kéo dài sự đau khổ, muốn chạy thoát khỏi tội lỗi, giải thoát bằng tự sát vì không còn con đường nào khác.
Một hành vi phạm tội không phải đột nhiên, mà được tích lũy, ẩn chứa sâu sắc trong quá trình hình thành đạo đức nhân cách. Để nhận diện sớm dấu hiệu của kẻ thủ ác không phải dễ. Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cần phải quan sát thái độ, cách ứng xử hàng ngày của đối tượng trong các mối quan hệ gia đình, cơ quan, xã hội… Những đối tượng có thể có những biểu hiện tiêu cực được lặp đi lặp lại, biểu hiện ra bên ngoài như văng tục chửi bậy, rượu chè, cờ bạc, ứng xử không văn minh, không tôn trọng ý thức cộng đồng, không tôn trọng luật pháp… Đối tượng cũng có thể có những hành vi khuất tất hoặc những ham muốn không lành mạnh hoặc đối tượng đã từng đe doạ, từng xảy ra xung đột trước đó. Khi phát hiện những biểu hiện đáng ngờ này những người tiếp xúc cần đề phòng, thậm chí báo cho cơ quan chức năng để có giải pháp ngăn chặn sớm tránh sự việc đáng tiếc xảy ra thì đã muộn.
Thính giả Chu Việt Đáp ở Thụy Chính, Thái Thụy, Thái Bình gọi điện tới chương trình Diễn đàn VOV2, cho rằng, nguyên nhân một phần do hung thủ bị ám ảnh, chi phối bởi những vụ án dã man được lan truyền trước đây, không ít vụ án đã được miêu tả lại chi tiết, cụ thể về phương thức, thủ đoạn gây án, điều này liệu có gây tác động tới cách nhìn nhận và hành vi của người tiếp cận thông tin, nhất là những kẻ ác. Theo ông Đáp, truyền thông, mạng xã hội thường xuyên khai thác tình tiết ly kỳ, nhằm thu hút người xem cũng ít nhiều tạo ra bầu không khí tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và hành vi của người tiếp cận thông tin. Do vậy, nên cần nâng cao công tác truyền thông, giáo dục về pháp luật để hạn chế những vụ trọng án tương tự.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn lý giải, những hình ảnh tiêu cực lặp đi lặp lại nhiều lần có thể ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng, nhận thức, tình cảm, lối sống và hành vi của người thực hiện tội phạm. Việc tiếp cận những thông tin, hình ảnh ghê rợn của những vụ án man rợ trước đó khiến đối tượng chai sạn, không biết ghê sợ, không còn biết phân biệt đúng sai, thậm chí hành động theo bản năng. Và một ngày nào đó các đối tượng sẽ hành động bạo lực, giết người như trên phim ảnh, trên mạng xã hội… Điều này đã được các nhà khoa học phân tích rất rõ và thực tế chứng minh, nếu không giảm bớt, ngăn chặn những nội dung tiêu cực từ truyền thông trên mạng xã hội, Internet, thì sớm muộn sẽ gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và nhân cách, lối sống của một bộ phận trong xã hội.
Trước những vụ giết người có tính chất man rợ, khiến dư luận hết sức phẫn nộ trong thời gian vừa qua, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng nền tảng về kiến thức pháp luật, xã hội là rất quan trọng. Đặc biệt theo ông Thìn, gia đình là nền tảng chính, là pháo đài để bảo vệ các giá trị. Mỗi cá nhân cần được giáo dục đạo đức, nhân cách, phải biết tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật ngay từ khi còn nhỏ. Bởi nếu kẻ thủ phạm biết rằng ra tay tàn độc như vậy về mặt đạo đức sẽ bị lên án, bản thân và gia đình sẽ phải trả giá đắt thì có lẽ hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.
Bên cạnh đó, cần giáo dục kỹ năng ứng xử với các mâu thuẫn, xung đột, phải kiểm soát được hành vi để không gây hậu quả nghiêm trọng. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật là vô cùng quan trọng. Mỗi người cần hiểu rõ hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị, bị lên án, thậm chí bị loại trừ khỏi đời sống xã hội. Ngoài ra, cần nâng cao công tác truyền thông, giáo dục về cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh, tránh xa các nội dung, hình ảnh tiêu cực.
Với hành vi mất hết tính người, kẻ thủ phạm khó thoát được bản án trừng trị cao nhất của pháp luật. Nhưng nỗi đau mà nạn nhân và gia đình phải gánh chịu thì thật xót xa. Những vụ án man rợ khiến bản thân mỗi người bên cạnh việc nâng cao nhận thức pháp luật, cần tự trau dồi kỹ năng sống, có lối sống lành mạnh để tránh xa các mối quan hệ phức tạp, không rõ ràng.
Một số vụ giết người, phân xác man rợ:
# Năm 2010, Nguyễn Đức Nghĩa và Nguyễn Phương Linh đều là sinh viên K42 khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương, Hà Nội. Linh là người yêu cũ của Nghĩa. Nghĩa khai đã dùng dao nhọn đâm thẳng vào lưng khiến Linh chết ngay tại chỗ. Để phi tang thi thể Linh, Nghĩa dùng dao cắt bỏ đầu và 10 đầu ngón tay cho vào túi nilon vứt tại một khúc sông Cấm ở Quảng Ninh, phần thân được Nghĩa mang lên tầng thượng giấu vào phòng xử lý rác của khu chung cư.
# Năm 2017, Đỗ Ngọc Anh (trú tại Đông Anh, Hà Nội) quen biết và nảy sinh quan hệ tình cảm với bà Đặng Thị Hải (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội). Sau khi kết hôn giữa hai người đã nảy sinh mâu thuẫn. Rạng sáng 31/1/2019, Ngọc Anh đến nhà bà Hải dùng một thanh sắt đánh vợ tử vong. Đến tối, Ngọc Anh quấn xác nạn nhân đưa thi thể bà Hải ra cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống). Tại đây, Ngọc Anh phân thi thể bà Hải làm nhiều phần rồi ném xuống sông phi tang.
# Gần đây nhất là sự việc Á khôi 17 tuổi bị sát hại, phân xác phi tang ở sông Hồng, Hà Nội vào ngày 13/10. Đối tượng gây ra vụ án man rợ này là Tạ Duy Khanh (SN 1985, quê ở Thái Bình, trú tại khu đô thị Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội). Bước đầu Khanh khai nhận là bạn trai của nạn nhân, do cô gái nợ Khanh 50 triệu không trả, nên Khanh đã đâm nhiều nhát vào ngực cô gái rồi phân mảnh thi thể, cho vào thùng xốp, dùng băng dính dán kín lại rồi gọi taxi mang đi phi tang tại khu vực sông Hồng. Khi bị công an vây bắt, đối tượng Khanh đã dùng dao tự sát nhưng không thành.
MỸ TRANG (Theo VOV2)