An ninh phi truyền thống (Non-Traditional Security) là một vấn đề của thế giới đương đại và đang là thách thức đặt ra đối với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Quản trị vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT) đòi hỏi phải có nhiều biện pháp từ các lĩnh vực khác nhau, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao và pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự (PLHS). Nhận thức những mối đe dọa, thách thức của ANPTT theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng để có những giải pháp ứng phó của PLHS và bảo đảm thực thi có hiệu quả ở nước ta hiện nay.
An ninh phi truyền thống
An ninh phi truyền thống là một khái niệm mới xuất hiện và được bàn đến khá nhiều trong thời gian gần đây; là vấn đề của thế giới hiện đại, xuất hiện trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp; đặc biệt, kể từ sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 tại nước Mỹ, khái niệm này xuất hiện nhiều và dần trở nên phổ biến. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư(1), ANPTT là khái niệm động, thay đổi tùy thuộc vào cách thức tiếp cận, chủ yếu sử dụng để phân biệt với an ninh truyền thống, dùng để chỉ các mối đe dọa, thách thức phi truyền thống đối với an ninh quốc gia, dân tộc, cộng đồng và sự ổn định của mỗi con người, có nguồn gốc phi quân sự từ các tác nhân, chủ thể phi nhà nước(2).
Sự xuất hiện thuật ngữ “an ninh phi truyền thống” gắn với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên thế giới, nhấn mạnh sự “rút ngắn” về thời gian và không gian, khiến cho không một quốc gia nào có thể biệt lập với phần còn lại của thế giới, mà các quốc gia phụ thuộc và tác động qua lại lẫn nhau(3), tạo nên hiệu ứng “dồn nén thời gian và không gian”(4). Sự “mờ đi” của biên giới quốc gia với các tiến bộ khoa học – công nghệ đã xuất hiện nhiều vấn đề, như “biên giới mềm”, “không gian ảo”, “tội phạm phi truyền thống”, “rô-bốt phạm tội”… làm cho vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh quốc tế và quyền con người trở lên quan trọng hơn bao giờ hết.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề có tính toàn cầu, xuyên biên giới đe dọa các quốc gia và cộng đồng quốc tế, từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, dịch bệnh…, đến vấn đề tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, tội phạm mạng. Đối mặt với những mối đe dọa này, các quốc gia không thể đơn phương giải quyết được, mà cần có sự hợp tác, tham gia của nhiều đối tác khác nhau, vì ANPTT có tính xuyên quốc gia thì không thể không giải quyết cùng song hành của tất cả các quốc gia. Vì thế, mô hình “an ninh truyền thống” do nhà nước nắm vai trò chủ đạo bị thách thức bởi bối cảnh thế giới mới. Điều này dẫn tới nhận thức mới về an ninh, trong đó có vấn đề ANPTT, cũng như là bài toán đòi hỏi mỗi quốc gia, khu vực và quốc tế cần xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật có tính tương thích quốc tế cao và tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, để thích ứng và xử lý, giải quyết kịp thời không chỉ vấn đề an ninh truyền thống mà cả vấn đề ANPTT. An ninh phi truyền thống là trạng thái an ninh trong đó đòi hỏi việc bảo đảm sự an toàn, ổn định của mỗi con người, cũng như các quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế khỏi sự nguy hiểm gây ra bởi những mối đe dọa dưới dạng là các tội phạm phi truyền thống có nguồn gốc phi quân sự từ bất kỳ tác nhân, chủ thể phi nhà nước nào.
Nhận thức về an ninh phi truyền thống theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Vấn đề ANPTT được Đảng ta nhận thức từ rất sớm và thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 17-12-1998, của Bộ Chính trị khóa VIII, cảnh báo và chỉ ra các yếu tố thách thức đối với an ninh quốc gia, trong đó có vấn đề ANPTT. Tiếp đó, vấn đề ANPTT tiếp tục được đề cập, nêu rõ trong nội dung các văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng năm 2021 đã tiếp tục khẳng định nhận thức, quan điểm nhất quán về nội dung, thách thức của ANPTT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đại hội nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp”(5), “Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ”(6), từ đó, đề ra nhiệm vụ “sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống”(7)…; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội. Kịp thời đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; xử lý các vấn đề ANPTT, tạo vành đai bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(8).
Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ phải ứng phó với các mối đe dọa ANPTT và một trong các giải pháp là hoàn thiện chính sách, pháp luật, bởi lẽ, ngoài các mối đe dọa ANPTT có thể khiến một quốc gia, thể chế, chế độ lung lay, bất ổn, sụp đổ, tiêu vong mà không cần bất kỳ một hoạt động chiến tranh quân sự nào; cùng với đó, nhiều nội dung của ANPTT còn ảnh hưởng đến tất cả các nước, trong khu vực hay trên toàn thế giới, như vấn đề an ninh môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm… không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia mà có thể lan tràn, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, các mối đe dọa của ANPTT thậm chí được chuyển hóa dẫn đến các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh quân sự bởi đặc tính “lan tỏa nhanh” và “xuyên quốc gia”(9).
Các mối đe dọa ANPTT tập trung vào hai nhóm chính sau:
– Nhóm về các quá trình, hiện tượng tự nhiên và xã hội bất lợi đến xã hội, như hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản, di cư bất hợp pháp…; tương ứng với từng lĩnh vực an ninh trọng yếu (an ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh dân số…).
– Nhóm về các hành vi tiêu cực (phạm pháp) do cá nhân hoặc pháp nhân (tổ chức) thực hiện ảnh hưởng bất lợi đến xã hội, như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia (rửa tiền, cướp biển, buôn bán trái phép chất ma túy, buôn bán người, vũ khí), tội phạm công nghệ cao…; tương ứng còn gọi là tội phạm phi truyền thống. Đây cũng chính là cách tiếp cận của PLHS về vấn đề ANPTT và là mối đe dọa hàng đầu đến con người, an ninh quốc gia, an ninh quốc tế và xã hội không chỉ của một quốc gia mà là toàn thế giới.
Thách thức an ninh phi truyền thống đặt ra đối với pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay
Từ việc nghiên cứu các mối đe dọa ANPTT, được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, xác định tập trung vào tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, có thể nhận thấy những thách thức cụ thể đối với PLHS Việt Nam như sau:
Thứ nhất, an ninh phi truyền thống làm phát sinh hành vi nguy hiểm mới cho xã hội có tính xuyên quốc gia, đe dọa xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, an ninh quốc tế và quyền con người hoặc vẫn là hành vi phạm tội nhưng với phương thức và thủ đoạn mới.
Hiện nay, do đối tượng xâm phạm chuyển từ an ninh biên giới, lãnh thổ, an ninh chính trị truyền thống sang các lĩnh vực an ninh mới như: an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh môi trường nên vấn đề ANPTT đặt ra thách thức ở hai khía cạnh: Một là, làm phát sinh những hành vi nguy hiểm mới cho xã hội đòi hỏi phải tội phạm hóa kịp thời trong PLHS; Hai là, vẫn là hành vi phạm tội trong PLHS nhưng có phương thức và thủ đoạn mới liên quan đến đặc tính xuyên quốc gia như: khủng bố, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao… (tội phạm phi truyền thống) với việc sử dụng thành tựu khoa học và công nghệ cao, cũng như những thành tựu vượt trội mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Có thể thấy, các quốc gia có hạ tầng kết nối mạng hiện đại và phổ biến sẽ có tỷ lệ tội phạm mạng rất cao, như ở Mỹ (23%), Trung Quốc (9%) hay Đức (6%). Trong tương lai, cơ cấu tỷ lệ tội phạm này sẽ có sự thay đổi, dịch chuyển và phân đều về nhóm các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khi tỷ lệ người dùng in-tơ-nét ngày càng gia tăng. Tội phạm phi truyền thống là thách thức lớn nhất của ANPTT dưới góc độ PLHS trong thời kỳ an ninh mới. Phức tạp hơn, loại tội phạm này thường sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ cao nên ẩn danh, khó phát hiện và việc xử lý dấu vết, truy tìm chứng cứ vô cùng khó khăn. Điều đáng quan ngại nữa ở loại tội phạm này là đa phần tội phạm trong nước liên kết với tội phạm người nước ngoài, hoạt động có tổ chức và mang tính quốc tế, xuyên quốc gia và rất chuyên nghiệp(10). Do đó, tội phạm phi truyền thống là hành vi nguy hiểm cho xã hội có nguồn gốc phi quân sự gây ra cho sự an toàn, ổn định của mỗi con người, cũng như các quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế được thực hiện một cách cố ý từ bất kỳ chủ thể phi nhà nước nào với đặc trưng mới về địa điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội và khách thể của tội phạm.
Chính vì vậy, “an ninh” như đã đề cập, là nhu cầu đầu tiên và thiết yếu của mỗi con người, mỗi quốc gia và toàn nhân loại; đồng thời, an ninh cũng là điều kiện cơ bản và quan trọng số một bảo đảm cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi con người, của từng tổ chức, của từng lĩnh vực hoạt động xã hội hoặc của toàn xã hội(11). Vì lẽ đó, PLHS Việt Nam phải ứng phó với thách thức trên (tội phạm hóa hoặc bổ sung phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm).
Thứ hai, sự biến đổi về nhiều yếu tố, dấu hiệu của tội phạm, như phương thức, thủ đoạn phạm tội, phạm vi diễn ra và tác động của hành vi phạm tội… so với các tội phạm truyền thống.
Tội phạm phi truyền thống với tư cách là thách thức ANPTT có sự biến đổi thể hiện khác biệt với tội phạm truyền thống như sau:
– Tội phạm phi truyền thống thường có tính xuyên quốc gia. Một thực tế rõ ràng là hành vi phạm tội luôn là loại tội phạm xuyên quốc gia với đặc tính đa quốc gia của tội phạm, mà theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, tính chất xuyên quốc gia được biểu hiện ở một trong các yếu tố:
+ Thể hiện ở không gian diễn ra tội phạm đối với toàn bộ quá trình thực hiện tội phạm như: Tội phạm được thực hiện ở hai quốc gia trở lên; tội phạm được thực hiện ở một quốc gia nhưng việc chuẩn bị, lên kế hoạch, chỉ đạo hoặc điều khiển nó lại diễn ra ở một quốc gia khác.
+ Thể hiện ở phạm vi ảnh hưởng của tội phạm. Nếu đối với tội phạm không có tính chất xuyên quốc gia thì quốc gia nơi thực hiện tội phạm cũng chính là quốc gia nơi tội phạm gây ảnh hưởng. Trong khi đó, tội phạm xuyên quốc gia có thể được thực hiện ở một quốc gia nhưng có ảnh hưởng ở một hoặc nhiều quốc gia khác.
+ Thể hiện ở chủ thể thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp việc thực hiện tội phạm liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức tham gia các hoạt động phạm tội ở nhiều quốc gia khác nhau. Trường hợp chủ thể của tội phạm đơn thuần có quốc tịch khác với quốc gia nơi thực hiện tội phạm không thuộc loại tội phạm này mà chỉ là tội phạm có yếu tố nước ngoài.
– Tội phạm phi truyền thống đe dọa trật tự, an ninh ở phạm vi khu vực hoặc toàn thế giới. Do tính chất “xuyên quốc gia” nên tội phạm này có thể trực tiếp đe dọa trật tự, an ninh của một khu vực, của toàn thế giới hoặc chỉ uy hiếp an ninh của một cộng đồng, quốc gia nhưng về thời gian sau, hậu quả của nó sẽ lan tỏa vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Trong khi đó, tội phạm truyền thống tập trung đe dọa đến an ninh quốc gia riêng lẻ. Vì vậy, việc phối hợp, cộng tác để ứng phó luôn được tất cả tổ chức quốc tế, khu vực đặt ra khi hợp tác song phương, đa phương và thông qua các hoạt động diễn tập, luyện tập…
– Phương pháp, thủ đoạn thực hiện tội phạm phi truyền thống thường thể hiện dưới dạng tội phạm có tổ chức, phạm tội có tính chuyên nghiệp rất cao. Thực tiễn cho thấy, buôn bán vũ khí, mua bán trái phép chất ma túy, buôn bán người, khủng bố, rửa tiền… hầu như không thể thực hiện bởi cá nhân đơn lẻ mà luôn được thực hiện bởi các tổ chức tội phạm và thường hoạt động xuyên quốc gia, thực hiện nhiều lần, còn được gọi là tội phạm có tổ chức. Hơn nữa, cách thức, thủ đoạn thực hiện các tội phạm ngày càng tinh vi, sử dụng thành tựu của khoa học – công nghệ cao.
Thứ ba, thách thức phát sinh các vấn đề về hiệu lực pháp luật, thẩm quyền xét xử và khả năng xử lý, giải quyết, phối hợp giữa các quốc gia khi có tội phạm xảy ra.
Mặc dù liên quan đến nhiều quốc gia, đe dọa trật tự, an ninh của các quốc gia liên quan, của khu vực hoặc toàn thế giới nhưng trách nhiệm pháp lý đối với tội phạm phi truyền thống được xác định trên cơ sở pháp luật quốc gia chứ không phải pháp luật quốc tế và thẩm quyền xét xử đối với các tội phạm này thuộc về quốc gia riêng lẻ mà không thuộc về một tòa án quốc tế nào. Sở dĩ như vậy bởi khách thể của chúng là những giá trị được bảo vệ bởi pháp luật quốc gia chứ không phải các giá trị được luật quốc tế xác lập, bảo vệ như quyền dân tộc, hòa bình thế giới…
Như vậy, trách nhiệm pháp lý theo pháp luật quốc gia, thẩm quyền xét xử thuộc tòa án quốc gia riêng lẻ nhưng phạm vi hoạt động, tác động của tội phạm phi truyền thống lại xuyên quốc gia nên liên quan đến tội phạm này rất dễ xảy ra hiện tượng “chồng lấn” về hiệu lực của BLHS và tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa các quốc gia liên quan nếu không được điều chỉnh rõ ràng. Theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, các văn kiện quốc tế chỉ quy định nghĩa vụ tội phạm hóa hoặc khuyến nghị việc tội phạm hóa các hành vi chứ không bao giờ thiết lập một mô tả cấu thành bắt buộc các quốc gia sao chép khi nội luật hóa văn kiện quốc tế đó(12). Bên cạnh đó, để tiến hành hoạt động phạm tội với quy mô lớn, các tổ chức tội phạm thường mua chuộc, hối lộ và lôi kéo một số nhà lãnh đạo nước ngoài nhằm dung túng, bao che cho các hoạt động phạm tội của tổ chức mình(13). Nhờ đó, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia có thể thuận lợi hình thành và mở rộng các mạng lưới mua bán trái phép chất ma túy, buôn bán người, rửa tiền… Ngoài ra, chúng lại tiếp tục triển khai các hoạt động để nâng cao năng lực tài chính, mạng lưới ra bên ngoài, như tiến hành đầu tư, cho vay, liên kết kinh doanh nhằm che giấu thu nhập từ việc phạm tội mà có, qua đó tạo thành “bức bình phong” vững chắc cho các hoạt động phạm tội.
Vì vậy, đánh giá về mức độ khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm thì chắc hẳn mức độ của tội phạm phi truyền thống xuyên quốc gia cao hơn nhiều so với tội phạm trong nội bộ quốc gia. Bởi lẽ, do địa bàn hoạt động của tội phạm vượt ra ngoài ranh giới lãnh thổ – xuyên quốc gia nên chỉ với các quốc gia riêng lẻ thì rất khó hay chính xác là không thể điều tra, thu thập chứng cứ xác định tội phạm, cũng như nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Sự câu kết, di chuyển xuyên quốc gia của các chủ thể thực hiện tội phạm tạo ra thách thức lớn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ. Cùng với đó, phạm vi tác động của tội phạm ở tầm liên quốc gia nên việc xác định đầy đủ, kịp thời các thiệt hại để ngăn chặn, khắc phục không nhanh chóng như các đối với các tội phạm khác…
Những thách thức trên cùng với các thách thức trong từng lĩnh vực an ninh trọng yếu tạo ra mối đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và quyền con người, đòi hỏi phải đặt ra yêu cầu hoàn thiện PLHS Việt Nam và giải pháp ứng phó.
Để pháp luật hình sự Việt Nam tham gia có hiệu quả vào quản trị các thách thức an ninh phi truyền thống
Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và ANPTT; kịp thời đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Vì vậy, PLHS Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Một là, kịp thời tội phạm hóa trong các quy định pháp luật những hành vi nguy hiểm mới phát sinh trong xã hội.
Yêu cầu của PLHS Việt Nam là kịp thời tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm cho xã hội có tính nguy hiểm cao, uy hiếp an ninh của con người và cộng đồng dân cư, dân tộc và nhân loại. Đây cũng chính là sự đòi hỏi của quá trình toàn cầu hóa, các mối đe dọa buộc các nước, trong đó có Việt Nam cần điều chỉnh kịp thời pháp luật mang tính thích ứng với chuẩn mực quốc tế, trong đó có việc tội phạm hóa nhằm xử lý hiệu quả những hành vi nguy hiểm mới, có tính chất xuyên quốc gia, có tổ chức, đặc biệt là trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, như hành vi thành lập tổ chức vũ trang trái phép, hành vi gây dựng hoặc tham gia tổ chức phạm tội, hành vi tổ chức các hội cực đoan, tấn công vào người hay tổ chức được luật pháp quốc tế bảo vệ, hành vi sử dụng vũ khí sinh học gây thảm họa cho con người.
Hai là, thay đổi nhận thức về những vấn đề mới trong PLHS.
Quan niệm truyền thống về các yếu tố, dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của PLHS cần phải được thay đổi để phù hợp với tính phi truyền thống của hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc của hành vi phạm tội trong điều kiện mới. Theo quan niệm truyền thống, chủ thể của tội phạm thường là các cá nhân đơn lẻ hoặc các cá nhân cấu kết trong băng nhóm tội phạm, nhưng ở loại tội phạm phi truyền thống thì chủ thể của tội phạm, ngoài những đối tượng truyền thống đó, còn có thể là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp hay các tổ chức tội phạm với đông đảo thành viên hoạt động ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia khác nhau. Thậm chí, trong tương lai, chủ thể của tội phạm còn có thể là thực thể AI(14) hoặc chủ thể này cùng với cả cá nhân, pháp nhân. Cho nên, PLHS phải thường xuyên cập nhật, theo kịp với những thay đổi của tình hình tội phạm và thực tiễn xã hội.
Cũng trong quan niệm truyền thống, nơi (địa điểm) thực hiện, nơi xảy ra hậu quả của tội phạm phải là một địa điểm cụ thể nào đó nhưng ở tội phạm phi truyền thống thì những điều đó có thể diễn ra ở một không gian mạng (không gian ảo). Ngoài những thiệt hại là các giá trị vật chất, tinh thần như tội phạm truyền thống, tội phạm phi truyền thống còn có thể gây ra những thiệt hại bằng các giá trị ảo (các loại tài sản ảo mà việc thừa nhận và quy chế pháp lý còn khác biệt ở các quốc gia) và thiệt hại “xuyên quốc gia”. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức và các thế lực bên ngoài và số đối tượng chống đối chính trị trong nước đã sử dụng không gian mạng để tiếp tục liên kết trong – ngoài, tăng cường lôi kéo, kích động, gây rối an ninh, trật tự, tuyên truyền chống phá an ninh đất nước.
Ngoài ra, nếu phương thức, thủ đoạn phạm tội truyền thống phổ biến là hành vi có tính chất bạo lực hoặc hành vi công khai chống đối, còn đối với tội phạm phi truyền thống hành vi rất tinh vi, có thể đi kèm với ứng dụng công nghệ – khoa học ở trình độ cao hoặc núp bóng các hoạt động công khai, hợp pháp và do các đối tượng am hiểu sâu sắc về kinh tế, nghiệp vụ tài chính, ngân hàng… thậm chí, các đối tượng đã sử dụng AI và những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phạm tội… như với sự phát triển của dữ liệu lớn (Big-Data) đã xuất hiện mối lo ngại về quản lý, bảo mật thông tin, hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể bị lạm dụng dẫn tới vi phạm quyền riêng tư, xâm phạm an ninh mạng, an ninh quốc gia, khủng bố. Hay sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ (Sharing economy)cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý, như vấn đề kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế; chống thất thu thuế, đồng thời có thể là nguyên nhân phát sinh các tội phạm xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, rửa tiền…
Tất cả những biến đổi đó, đòi hỏi PLHS cũng phải thay đổi một số quan điểm truyền thống về các yếu tố cấu thành tội phạm, ví dụ: “an ninh mạng” có phải là khách thể bảo vệ của PLHS không; “tài sản ảo” có được thừa nhận không; hành vi thực hiện trên “không gian mạng”, thậm chí ngoài trái đất hay hành vi thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo (AI) thì trách nhiệm hình sự giải quyết thế nào; hậu quả của tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; chủ thể của tội phạm là AI… Do đó, cần rà soát, đánh giá những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong từng lĩnh vực làm phát sinh những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào (ví dụ: trí tuệ nhân tạo (AI) làm phát sinh tội phạm AI(15); dữ liệu lớn làm gia tăng tội phạm mạng…).
Ba là, kịp thời sửa đổi, bổ sung những điều luật bảo đảm ứng phó với diễn biến của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Ở đây, đòi hỏi PLHS phải được thường xuyên cập nhật, tương thích, ứng phó với diễn biến thực tế của tội phạm đang diễn ra và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Phát sinh trong điều kiện phát triển nhanh chóng của tri thức và khoa học – công nghệ, nhiều loại tội phạm phi truyền thống không ngừng biến đổi về phương thức, thủ đoạn phạm tội theo hướng ngày càng tinh vi, phức tạp làm cho việc phát hiện, đấu tranh và xử lý gặp khó khăn, trong khi cấu thành tội phạm trong BLHS chưa kịp điều chỉnh và các cơ quan, lực lượng chức năng chưa kịp tổng kết, đánh giá và nhận diện mô hình hóa nó. Do đó, nếu PLHS không theo kịp những diễn biến đó sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm, tạo ra kẽ hở cho tội phạm lợi dụng. Quyết định số 623/QĐ-TTg, ngày 14-4-2016, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025 và định hướng đến năm 2030”, nêu rõ: Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm xâm hại trẻ em… Trong khi đó, “tội phạm có tổ chức” lại chưa được ghi nhận để điều chỉnh trong BLHS, khi mà các tổ chức tội phạm gây ra những tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng ngày càng gia tăng, là mối nguy hại cho xã hội và nỗi lo cho nhân dân, sự đau đầu cho các nhà lãnh đạo, quản lý trên toàn thế giới.
Cùng với đó, PLHS phải có tính tương thích quốc tế cao, bởi vì tính chất xuyên quốc gia, quy mô ảnh hưởng xuyên biên giới của tội phạm phi truyền thống, đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải hợp tác chặt chẽ mới có thể đấu tranh đạt hiệu quả cao. Bởi lẽ, vấn đề xung đột pháp luật, tranh chấp thẩm quyền tài phán sẽ là những rào cản trong công tác xét xử các tội phạm này. Do đó, để tăng cường tính “tương thích” pháp luật làm cơ sở cho việc hợp tác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đòi hỏi Việt Nam phải từng bước tham gia, ký kết và thực thi các điều ước quốc tế, các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương trong khu vực, quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, chẳng hạn, từng bước nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 của Liên hợp quốc vào BLHS năm 2015. Đồng thời, đồng bộ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục tố tụng, hợp tác giải quyết vụ án, vấn đề dẫn độ và chuyển giao… trong luật tố tụng hình sự, luật thi hành án hình sự để hoạt động giải quyết vụ án đạt hiệu quả cao./.
————-
(1) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0) kết hợp các công nghệ với nhau, qua đó làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật và sinh học. Xem thêm: Klaus Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018
(2) Xem: Tạ Ngọc Tấn, Phạm Thành Dung, Đoàn Minh Huấn (Đồng chủ biên): An ninh phi truyền thống - Những vấn đề lý thuyết đến thực tiễn, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2015, tr. 9 – 19
(3) Xem: Bernard Guillochon: Toàn cầu hóa – Duy nhất một hành tinh, nhiều dự án khác nhau (Ngân Điệp, Thu Trang dịch), Nxb. Trẻ, Hà Nội, 2011, tr. 6
(4) Xem: Robert John Holton: Globalization and the Nation-State, Macmillan Press, London, 1989, tr. 8
(5), (6), (7), (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 106 – 107, 208, 279, 281
(9) Xem: Anthony J. Masys: Exploring the Security Landscape: Non-Traditional Security Challenges, Springer, 2016, tr. 1
(10) Xem: Trịnh Tiến Việt, Dương Văn Tiến: “Pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức ANPTT”, Tạp chí Khoa học, Luật học, Số 4-2016, tr. 89
(11) Xem: Bộ Quốc phòng: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 25
(12) Xem: Nguyễn Thị Phương Hoa: “Vấn đề tội phạm hóa trong các Công ước đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia”, Tạp chí Luật học, Số 6-2010, tr. 19 – 24
(13) Xem: Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Ngọc Anh: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các nghị định thư bổ sung, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 25
(14) Xem: Trịnh Tiến Việt: “Trách nhiệm hình sự của cá nhân, pháp nhân và thực thể trí tuệ nhân tạo (AI): Quá khứ, hiện tại và viễn cảnh tương lai”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 4, 5-2020, tr. 1 – 11
(15) Xem: Thomas C. King, Nikita Aggarwal, Mariarosaria Taddeo, Luciano Floridi: Artificial Intelligence Crime: An Interdisciplinary Analysis of Foreseeable Threats and Solutions, Science and Engineering Ethics, 2020, tr. 69
PGS, TS Trịnh Tiến Việt (Theo Tạp chí cộng sản)