TTTĐ – Chiều 22/12, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Viện An ninh phi truyền thống tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng công tác bảo đảm an ninh kinh tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Tham dự hội thảo có Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Đại học Quốc gia Hà Nôị; Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương; ông Phạm Văn Chánh, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo công an các huyện, thị xã, thành phố, các nhà khoa học và đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.
Được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp”, Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các khu, cụm công nghiệp; từ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bình Dương thu hút vốn FDI đứng thứ 2 của cả nước; GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước… Bình Dương luôn thuộc tốp đầu trong nước về chỉ số PCI. Nhờ vậy, số doanh nghiệp đến Bình Dương đã tăng nhanh.
Bình Dương xếp thứ 3 cả nước về số lượng doanh nghiệp. Cụ thể, đến ngày 31/12/ 2022, toàn tỉnh có 37.600 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 1.066.337 lao động, chiếm 63,7% tổng số lao động trên địa bàn. Lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 86%. Thu nhập bình quân đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, có thể thấy năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp; trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ còn hạn chế; quy định pháp luật về quản lý kinh tế, đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao.
Trong thời gian tới, bên cạnh những thời cơ thuận lợi; song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đe dọa đến an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể, các nguy cơ đe dọa đến an ninh nội bộ; tài chính tiền tệ; trong các doanh nghiệp FDI; về nguồn lực lao động; đứt gãy đơn hàng, đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đe dọa đến an ninh kinh tế… Do đó, chủ động phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương là vấn đề rất cấp bách cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Vấn đề bảo đảm an ninh kinh tế luôn là vấn đề nóng được đặt ra, vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng công an. Vì thế, việc đánh giá đúng, trúng thực trạng công tác bảo đảm an ninh kinh tế, từ đó đề ra các giải pháp, phương án phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế.
Đồng thời, điều này góp phần rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác tham mưu, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, thông qua hội thảo lần này, Công an tỉnh, Viện An ninh phi truyền thống, Sở KH&CN rất mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, quý vị đại biểu, khách quý, doanh nghiệp để làm sáng tỏ thực trạng các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Những bài học kinh nghiệm để Ban tổ chức hội thảo tổng hợp, nghiên cứu, phân tích đưa ra những giải pháp phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả đối với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế góp phần phát triển kinh tế của tỉnh ổn định, bền vững và bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Chủ đề Hội thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Hội đồng lý luận Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp; lãnh đạo và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học của Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Với tinh thần khoa học, dân chủ, khẩn trương, hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến trình bày phong phú, đa dạng, giàu tính lý luận cũng như thực tiễn. Đồng thời, đại biểu đã hiến kế xây dựng những giải pháp, phương án, kịch bản và khuyến nghị nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh kinh tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhiều kiến nghị, giải pháp được đưa ra mang tính toàn diện, đồng bộ, sát với thực tiễn, nếu được áp dụng có tính khả thi cao.
Hoàng Lân (nguồn: tuoitrethudo.com.vn/)