Tổ chức chương trình thông tin chuyên đề: Thực thi luật phòng, chống rửa tiền năm 2022

Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu và đào tạo pháp luật về phòng chống rửa tiền nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022; Viện An ninh phi truyền thống (INS), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Sáng kiến pháp quyền (ABA ROLI) tổ chức chương trình thông tin chuyên đề “Thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền  năm 2022” nhằm thảo luận vấn đề thực thi pháp luật và phổ biến các Sổ tay/ Hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý quy định cụ thể về các hành vi rửa tiền và hoạt động phòng, chống rửa tiền. Cùng với Bộ luật Hình sự, Luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống rửa tiền đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền nói riêng, đồng thời, làm minh bạch hệ thống tài chính, thúc đẩy hoạt động thanh toán và thương mại quốc tế, qua đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm triển khai thi hành, Luật phòng chống rửa tiền năm 2012 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho công tác phòng chống rửa tiền và chưa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mới đặt ra.

Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, trong đó, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng chống rửa tiền, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập qua thực tiễn triển khai thi hành luật, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các cam kết của Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Luật là các qui định liên quan đến phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh casino, xổ số, trò chơi có thưởng.

Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu và đào tạo pháp luật về phòng chống rửa tiền nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022; Buổi sáng ngày 26/08/2023 Viện An ninh phi truyền thống (INS), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Sáng kiến pháp quyền (ABA ROLI) tổ chức chương trình thông tin chuyên đề “Thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền  năm 2022” nhằm thảo luận vấn đề thực thi pháp luật và phổ biến các Sổ tay/ Hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền. Chương trình diễn ra tại Hội trường Chu Văn An, thuộc Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; với sự tham dự của đại diện Ban giám hiệu Trường Quản trị và Kinh doanh, lãnh đạo Viện An ninh phi truyền thống, đại diện cơ quan của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tại Việt Nam và các chuyên gia, nhà quản lí trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền cùng với các doanh nghiệp, cơ sở quan tâm tới vấn đề này.

Các đại biểu tham dự Chương trình

Chương trình có sự trình bày tham luận của các chuyên gia. Trong đó:

1. ThS Nguyễn Đăng Hồng – Nguyên Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Phòng chống rửa tiền trình bày nội dung: Lịch sử hình thành pháp luật về phòng chống rửa tiền nói chung, về phương thức quản lý về phòng chống rửa tiền nói riêng tại Việt Nam; Phân tích những điểm mới, những điểm cần lưu ý trong công tác giám sát, thanh tra và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo pháp luật về phòng chống rửa tiền; Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý về phòng chống rửa tiền; của các đối tượng báo cáo; mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và đối tượng báo cáo; Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền của các cơ quan quản lý và của đối tượng báo cáo; tập trung vào đánh giá rủi ro và thực hiện trên cơ sở rủi ro.

ThS Nguyễn Đăng Hồng trình bày tham luận

2. GS,TS Bùi Minh Thanh – Giảng viên cao cấp Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Cục Cảnh sát kinh tế trình bày nội dung: Thực thi pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam – giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh tài chính quốc gia; Sổ tay phòng chống rửa tiền cho các nhà quản lý. Trong đó, cần quan tâm đến vấn đề: Pháp luật về phòng chống rửa tiền và vấn đề an ninh tài chinh, kinh tế quốc gia; Giải pháp thực hiện pháp luật về phòng chống rửa tiền dưới góc độ các nhà lập pháp, các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà quản lý, các đối tượng báo cáo. Giới thiệu Sổ tay phòng chống rửa tiền cho các nhà quản lý, trong đó cần quan tâm tập trung vấn đề: đánh giá rủi ro ngành và thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, công cụ thanh tra, giám sát.

GS.TS Bùi Minh Thanh trình bày tham luận

3. TS. Đào Quốc Tính, nguyên Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng kiêm Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trình bày tham luận: Thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam – tổng quan, kết quả, thách thức và đề xuất giải pháp. Trong đó cần quan tâm nêu thực trạng thực thi công tác phòng chống rửa tiền dưới góc độ của các nhà quản lý như: việc cấp phép, việc thanh tra, giám sát về phòng chống rửa tiền, việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền; nêu khó khăn, thách thức trong việc thực thi pháp luật về phòng chống rửa tiền; Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý, giám sát về phòng chống rửa tiền như: nghiên cứu thực hiện các chuẩn mực quốc tế; xây dựng quy trình; thực hiện thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro; tập trung hướng dẫn cho đối tượng báo cáo và xử lý vi phạm.

TS Đào Quốc Tính trình bày tham luận

4. PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn- Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống trình bày tham luận: Triển khai các biện pháp phòng ngừa trong thực thi pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại các đối tượng báo cáo; chuẩn mực quốc tế, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam; giới thiệu Sổ tay phòng chống rửa tiền, trong đó cần quan tâm các nội dung: Chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền liên quan hoạt động của các đối tượng báo cáo; quy trình liên quan tới FATF, APG; Sổ tay phòng chống rửa tiền giành cho đối tượng báo cáo, như: Cơ cấu, đánh giá rủi ro; xây dựng các quy định, quy trình nội bộ; thực hiện nhận biết khách hàng và báo cáo giao dịch đáng ngờ; mẫu báo cáo; và các bước triển khai tiếp theo.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn trình bày tham luận

Cùng với đó là các câu hỏi, sự thảo luận sôi nổi của các thành viên tham dự nhằm làm sáng tỏ các vấn đề đặt ra. Ban tổ chức cũng thực hiện lấy ý kiến đánh giá chương trình và nhận được hầu hết các ý kiến đánh giá tích cực về công tác tổ chức, cho rằng chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo ra cơ hội để những người tham dự kết nối với nhau, cùng chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm hữu ích trong công tác thực thi Luật về phòng, chống rửa tiền, để Luật phòng chống rửa tiền năm 2022 thực sự phát huy tối đa tác dụng, đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy trong lĩnh vực tài chính của quốc gia.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *